Toàn tỉnh hiện có trên 102.000 hộ đang vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh với số dư nợ trên 1.845 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 31.300 hộ nghèo, 2.600 hộ cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế; 3.000 hộ vay vốn theo chương trình giải quyết việc làm; 371 hộ vay theo chương trình hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài; 28.400 hộ vay vốn theo chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên; 57.000 hộ vay theo chương trình nước sạch- vệ sinh môi trường nông thôn; 42 doanh nghiệp vay theo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước đây, các đối tượng nghèo, chính sách được vay vốn của Ngân hàng CSXH với mức lãi suất ưu đãi thường thấp hơn nhiều và tương đối ổn định so với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, sau một thời gian dài các ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất huy động và cho vay, đến nay mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh giảm đáng kể nhưng lãi suất cho vay của Ngân hàng CSXH đối với các đối tượng chính sách vẫn giữ nguyên. Hiện lãi suất cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách ở mức 0,25%- 0,9%/tháng, tương đương từ 3%- 10,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7%- 9%/năm tại các ngân hàng thương mại Nhà nước; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 11,5%- 12,8%/năm. Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả được các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5%- 7%/năm. Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 8%- 9%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 9,5%- 11,5%/năm đối với ngắn hạn; trung và dài hạn khoảng 12%- 13%/năm. Như vậy, mức lãi suất cho vay được Ngân hàng CSXH áp dụng đối với các đối tượng chính sách trong một số chương trình tín dụng trở nên không còn ưu đãi nữa.
|
Giải ngân cho vay tại điểm giao dịch Ngân hàng CSXH ở cơ sở |
Gia đình chị Nguyễn Thị Khanh, thôn Tiểu Quan, xã Phùng Hưng (Khoái Châu) là một hộ nghèo. Được ưu tiên vay vốn từ Ngân hàng CSXH tỉnh là niềm vui lớn đối với gia đình chị nhưng vẫn còn đó những nỗi lo. Chị tâm sự: “Mấy năm gần đây, nông sản liên tục rớt giá mà chi phí đầu vào lại tăng nên thu nhập càng bấp bênh khiến cho việc trả lãi ngân hàng hàng tháng của gia đình tôi càng thêm khó khăn. Vẫn biết mức lãi suất này là đã được ưu tiên nhưng trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay, người nghèo chúng tôi rất mong được Chính phủ giảm phần nào lãi suất để chúng tôi có điều kiện vươn lên thoát nghèo”.
Xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi) là một trong những địa phương còn khó khăn về kinh tế của tỉnh, xã có trên 300 hộ nghèo, chiếm trên 13% và trên 200 hộ cận nghèo, chiếm 10% số hộ gia đình trong xã. Chị Nguyễn Thị Ngạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Là một trong những kênh cho người dân tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng CSXH tỉnh và thu lãi của các hộ vay hàng tháng, chúng tôi được tiếp xúc và lắng nghe nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Hiện nay Hội Nông dân xã có tổng số 335 hội viên vay vốn theo các chương trình cho vay hộ nghèo, hỗ trợ người đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, học sinh- sinh viên, nước sạch- vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây, sửa nhà ở với tổng dư nợ trên 5,7 tỷ đồng. Đối tượng được vay hầu hết là các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và được vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều ngân hàng thương mại hạ lãi suất đến mức bằng hoặc thấp hơn một số chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Đặc biệt, một số chương trình vay vốn có mức lãi suất cao như: vay vốn nước sạch- vệ sinh môi trường nông thôn có mức lãi suất 0,9%/tháng, tương đương 10,8%/năm; chương trình hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo có mức lãi suất 0,845%/tháng, tương đương 10,14%/năm… Đây là mức lãi suất khá cao đối với những đối tượng còn khó khăn nên chúng tôi mong Chính phủ sớm có phương án hạ lãi suất để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.
Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: “Khó khăn chung của nền kinh tế đã tác động đến mọi người dân, mọi thành phần kinh tế, trong đó có cả những hộ nghèo, gia đình chính sách… nên việc giảm mức lãi suất cho vay đối với các đối tượng này là rất cần thiết. Trong trường hợp lãi suất cho vay của các đối tượng khách hàng này giảm đi thì ngân sách nhà nước sẽ giảm một nguồn thu đáng kể và có thể phải bù lỗ thêm. Tuy nhiên, đây là điều cần làm và thực hiện càng sớm càng tốt để tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay lãi suất một số chương trình tín dụng cho người nghèo, đối tượng chính sách đang ở mức bằng hoặc cao hơn các ngân hàng thương mại là do các ngân hàng thương mại đưa ra mức lãi suất thấp cho một số gói vay ngắn hạn và có thể điều chỉnh lãi suất liên tục. Trong khi đó, các chương trình tín dụng ưu đãi cho người nghèo chủ yếu là các khoản vay trung và dài hạn. Để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng ưu tiên, chúng tôi đã có ý kiến tham mưu với Ngân hàng CSXH Trung ương để đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phương án giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên cụ thể có giảm hay không, giảm ở những gói vay nào và mức giảm cụ thể ra sao thì phải chờ quyết định của cấp có thẩm quyền”.
Hương Giang
Nguồn: báo Hưng Yên