Khám phá Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến

20/02/2017 | 1788

Phố Hiến - Hưng Yên đã từng là thương cảng quốc tế sầm uất nhất ở Đàng Ngoài thế kỷ 16-17, một "tiểu Tràng An", "chốn phồn hoa đô hội", cũng là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hóa. Khi kinh thành Thăng Long có 36 phố phường thì Phố Hiến có hơn 20 phường thị, nức tiếng với câu ca " Thứ nhất Kinh Kỳ, Thứ nhì Phố Hiến".

Nếu có dịp đến với Hưng Yên, bạn sẽ được thỏa lòng trải nghiệm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, để được cảm nhận những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật phong phú, độc đáo, ghi dấu một thời của "Tiểu Tràng An". Hơn nữa, vẻ đẹp của các công trình trong quần thể di tích Phố Hiến còn là sự kết tinh và giao thoa giữa phong cách kiến trúc thuần Việt, kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc theo kiểu phương Tây.    
 
Quần thể di tích Phố Hiến được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2014. Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến gồm 16 di tích tiêu biểu hợp thành, đó là: Văn Miếu Xích Đằng, chùa Chuông, Đền Mẫu, Đền Trần, đình- chùa Hiến, chùa Phố, chùa Nễ Châu, đền Thiên Hậu, Võ Miếu, Đông Đô Quảng Hội, đền Mây, đền Cửu Thiên Huyền Nữ, đền Bà Chúa Kho, đình An Vũ, đền Kim Đằng, đền Nam Hòa.


Đền Mẫu

Điểm đầu tiên bạn nên khám phá là đền Mẫu, ngay cạnh hồ Bán Nguyệt, đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, là di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc uy nghi cổ kính, là điểm đến linh thiêng mà du khách thường tìm đến. Đền thờ bà Quý Phi họ Dương, thời Tống (Trung Quốc) được tán xưng "Mẫu Nghi Thiên Hạ", là người đã tuẫn tiết để giữ trọn lòng chung thuỷ với vua và trung thành với đất nước. Tại đây, du khách sẽ được thỏa sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi đền và sự hợp thân thành thế kiềng ba chân của ba cây cổ thụ Đa, Xanh, Si với hơn 700 năm tuổi khiến không gian ngôi đền càng thêm huyền bí, linh thiêng.


Đền Trần vào ban đêm

Đến Hưng Yên bạn sẽ xin được công danh tài vọng tại đền Trần. Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng dân tộc, một nhà chính trị tài ba. Ông có công lớn trong công cuộc đánh đuổi quân Nguyên Mông lần 2 và 3.


Văn Miếu Hưng Yên

Điểm khám phá tiếp theo là Văn Miếu Xích Đằng thuộc Phường Lam Sơn, được khởi dựng từ thời Lê. Văn Miếu Xích Đằng là biểu tượng tôn vinh truyền thống hiếu học của người Hưng Yên, là nơi tập trung tinh hoa, trí tuệ, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo của người Hưng Yên xưa và nay. Hiện Văn miếu còn lưu giữ một số hiện vật quý, trong đó giá trị lớn nhất là 9 tấm bia đá ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam xưa. Đây là những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh được chạm khắc hoa văn phong phú hình rồng, kỳ lân, lưỡng long chầu nguyệt khá tinh xảo, uyển chuyển, tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Cách đó không xa là đền Mây, đền Kim Đằng cũng thuộc phường Lam Sơn là các di tích có giá trị độc đáo. Đền Mây được xây dựng từ thời Đinh – Tiền Lê và được trùng tu vào thời Nguyễn. Đền thờ Phạm Bạch Hổ - một vị tướng tài ba, anh hùng dân tộc có công đánh giặc cứu nước. Nơi đây còn nổi tiếng với câu chuyện về sự linh thiêng, là minh chứng sống động cho một niềm tin bất diệt vào sự bảo trợ của vị thần Đền Mây.
Đền Kim Đằng là nơi tôn thờ tướng quân Đinh Điền và phu nhân Phan Thị Môi Nương. Đền Kim Đằng có một giá trị lịch sử to lớn bởi các hệ thống long đao bát bửu, biểu đế được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.


Chùa Chuông

Hành trình khám phá của bạn sẽ không thể thiếu chùa Chuông. Bởi đến đây là đến với thế giới của tâm của Phật. Chùa Chuông được mệnh danh là "Phố Hiến đệ nhất danh thắng", không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan đẹp mà còn có hệ thống tượng phật phong phú, đặc sắc như: Tòa Tam Bảo, Bát Bộ Kim Cương, Thập Bát La Hán, thập điện diêm vương… Nét độc đáo của các tượng này không chỉ bởi nghệ thuật điêu khắc khéo léo, công phu mà còn ở sắc thái sống động, uyển chuyển qua biểu hiện nét mặt, cử chỉ. Vì thế tại ngôi chùa này hiện vẫn tồn tại cách bói dân gian khá độc đáo qua cách tính năm chọn tượng...
Rời chùa Chuông, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đình An Vũ trên thế đất mang hình chim Phượng Hoàng. Đình thờ thành hoàng Cao Sơn Đại Vương – một danh tướng dưới thời vua Hùng Duệ Vương, người có công giúp vua Hùng chống lại cuộc xâm lăng của quân Thục. Đình An Vũ là một bằng chứng cho sự phồn thịnh của Phố Hiến một thời.
Tiếp đó là đền Nam Hòa, mặt quay hướng Tây Nam với kết cấu kiểu chữ Nhất, được khởi dựng từ thời Nguyễn, các hạng mục công trình và cấu kiện kiến trúc của di tích được trang trí hài hòa, tạo nét đẹp mềm mại, thanh thoát.
Đền là nơi thờ ba vị thiên thần: Đức Thiên Quan Đại vương, Đức Thổ Địa Long thần và Đức Thủy Phủ Động Đình Quân Tôn thần. Đây là ba vị thần đại diện cho sức mạnh của ba thế lực trong thế giới tự nhiên: trời, đất, và nước. Các ngài vô cùng linh ứng, có công che trở, bảo vệ cho nhân dân địa phương, làm giảm bớt thiên tai, địch họa và mang đến mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Bạn muốn "Cầu may, vay lộc", hãy đến với đền Bà Chúa Kho - Hưng Yên. Đền nằm ở khu phố Điện Biên III, phường Quang Trung. Đền thờ bà Lê Bạch Nương, một mỹ nhân trung quân ái quốc thời Lê. Bà được phân coi giữ ngân khố quốc gia, phụ trách kho ngân khố ở Vĩnh Ty đồn (thuộc Tp Hưng Yên ngày nay). Bà đã chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ kho ngân khố không rơi vào tay giặc. Đền có kiến trúc chữ nhị gồm 3 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Tại đền còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như: 2 đạo sắc phong niên hiệu Khải Định, tượng đồng, châm bạc, lục bình sứ cổ…
 
Cách đó không xa, bạn hãy ghé thăm đền Cửu Thiên Huyền Nữ, nằm ở khu phố Điện Biên II, Phường Lê Lợi. Đền là nơi tôn thờ Đức Cửu Thiên Huyền Nữ Chân Quân, là người giúp nhân dân trong lúc hoạn nạn, nguy nan nên được tôn làm thánh. Đền có kiến trúc kiểu chữ Công gồm 3 gian tiền tế, một gian ống muống và 3 gian hậu cung. Các hạng mục kết cấu tương đối đồng bộ, vững chắc.


Chùa Hiến

Xuôi về phía nam là Phố Hiến cổ với cụm di tích đình - chùa Hiến, vốn rất thu hút khách du lịch. Trước sân chùa Hiến có hai tấm bia đá dựng năm 1625 và 1709, ghi lại quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến xưa. Chùa còn nổi tiếng có cây nhãn Tổ niên đại hơn 300 năm tuổi, đây là cây nhãn đường phèn, mã lụa, cùi dày, quả to, hương vị thơm ngon đặc sắc, xưa hay để tiến Vua. Giống nhãn ngon và qúy khiến nhà bác học Lê Quí Đôn từng thốt lên: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.
Ngay cạnh chùa Hiến là đình Hiến, tôn thờ vị thành hoàng làng Mậu Dương – quan Thái giám họ Du nhà Tống. Ngôi đình xây dựng vào thế kỉ 17 có quy mô kiến trúc hoàng tráng mang đậm phong cách nghệ thuật hậu Lê. Với kiến trúc chữ Đinh, năm gian, đầu dư chạm rồng, mảng cốn chạm tứ linh, tứ quý đã khẳng định công lao to lớn của ông và vẻ đẹp độc đáo của di tích này.
Dọc con đường ấy bạn sẽ được tham quan một danh lam thắng tích nổi tiếng của Phố Hiến đó là chùa Nễ Châu. Đến với chùa Nễ Châu, du khách dạo chơi trong khu vườn nhỏ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc cổ, những đường nét chạm khắc gỗ công phu hòa nhập trong từng mảng chạm, pho tượng Tuyết Sơn, bộ tượng Tam Thế... đem lại những giây phút thanh thản, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt hiện có một di tích là nơi kết tinh của sự giao thoa văn hóa, kiến trúc Việt với Trung Hoa và các nước phương Tây. Đó là chùa Phố, tọa lạc tại đường Trưng Trắc, phường Quang Trung. Dấu ấn đậm nét nhất là kiến trúc của tòa Thiêu hương, mang đậm nét kiến trúc của nhà thờ Thiên chúa giáo với phần mái được làm theo kiểu cuốn vòm.


Nhãn Lồng Hưng Yên


Trước đây, Phố Hiến từng có rất nhiều dòng họ người Hoa định cư, ngày nay còn lưu lại nhiều di tích mang phong cách kiến trúc Trung Hoa. Đó là Võ Miếu, đền Thiên Hậu, Đông Đô Quảng Hội. Đây là những công trình mang đậm màu sắc kiến trúc của nền văn hóa Trung Hoa được bảo lưu nguyên vẹn đến ngày nay.


Bún thang lươn Hưng Yên


Vòng quanh Phố Hiến với bán kính chừng 5km, bạn chỉ cần thuê một chiếc xe đạp, xe máy hay xích lô... cho quá trình khám phá của mình. Dịch vụ không đắt đỏ, không khí trong lành, đường phố không khói bụi, không ồn ào bởi tiếng xe cộ, người dân thật thà, mến khách, ẩm thực phong phú, hấp dẫn với những món ăn đầy quyến rũ từ sông Hồng, từ đất bồi phù sa... Bạn sẽ được thưởng thức vị thanh mát của nhãn lồng, chè sen với vị ngọt bùi của sen, một bát bún thang lươn bổ dưỡng vào bữa sáng, những món ăn dân dã từ cá sông, tôm sông hay cua đồng ... đó là những lý do mà bạn nên lưu lại Phố Hiến để khám phá và trải nghiệm với cuộc sống của người dân nơi đây.
 


                                                                                      Du lịch Hưng Yên
 




© 2021 Copyright by VNPT Hưng Yên.